banner chinh

Gen Z thúc đẩy “nền kinh tế tinh thần” ở Trung Quốc


Kể từ đại dịch, ngày càng nhiều người tiêu dùng Gen Z ở Trung Quốc nhận ra rằng “sức khỏe là vàng”. Hạnh phúc, thể dục và các sở thích ngoài trời đang được coi là một lối sống chứ không chỉ là cái để theo đuổi.

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu của JD.com, Tencent Music và nền tảng podcast Himalaya đồng công bố, hơn 52% gen Z Trung Quốc đang tăng mức chi tiêu cho các sản phẩm mang giá trị tinh thần trong năm 2022. Phim, nhạc và sách là những phần có mức tăng trưởng doanh số đáng chú ý trong khi các mặt hàng điện tử như tai nghe thông minh và kính VR cũng trở thành xu hướng. Ngoài ra, các sản phẩm trị liệu bằng hương thơm cũng được nhiều Gen Z ưa chuộng nhờ đặc tính chữa bệnh và giảm căng thẳng.

Lululemon hợp tác với Blueglass Yogurt để tổ chức hoạt động đạp xe ở Thâm Quyến vào tháng 5/2022

Olivia Wang, một người trẻ ở Thượng Hải, nói: "Tôi mua sắm quần áo và đồ làm đẹp ít hơn kể từ đại dịch vì có ít cơ hội ra ngoài. Trong thời gian phong tỏa ở Thượng Hải, tôi chú ý cải thiện việc sử dụng và sắp xếp không gian nhà nhiều hơn. Tôi mua thêm đồ dùng nhà bếp và các sản phẩm dầu thơm để giúp tâm trạng thư thái. Tôi thích khiêu vũ nên cũng mua một số dụng cụ thể dục và khiêu vũ trong nhà".

Hoạt động ngoài trời

Các hoạt động thể thao ngoài trời thường giúp cải thiện sức khỏe và thể chất nhưng với xu hướng hiện tại, mọi người chú trọng nhiều hơn đến tính giải trí. Đạp xe, cắm trại, ném đĩa và trượt ván là những sở thích phổ biến mới của nhiều người trẻ nước này. Trên nền tảng truyền thông xã hội Xiaohongshu, từ khóa "đi xe đạp" đã thu hút gần 22 triệu lượt xem trong khi các tìm kiếm liên quan đến đi xe đạp trong quý đầu tiên của năm 2022 tăng 230,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Phân tích cho thấy hơn 55% nội dung liên quan đến đạp xe trên mạng xã hội Trung Quốc đến từ những người sinh sau năm 1990.

Cắm trại trở nên phổ biến vào mùa xuân và đầu mùa hè năm 2022. Thị trường phục vụ hoạt động cắm trại ở Trung Quốc ước đạt 51,8 tỷ USD trong năm 2022, tăng 18,6% so với hàng năm. Đối với gen Z thích cắm trại, thư giãn và giảm căng thẳng là động lực chính, bên cạnh các hoạt động phổ biến là nướng thịt và dã ngoại.

Ném đĩa cũng trở thành trào lưu mới ở Trung Quốc vì tính thời thượng, dễ chơi và giúp giao lưu với thế giới bên ngoài. Giới trẻ Trung Quốc cũng đổ xô đi trượt ván vì thái độ "thử thách bản thân", lối sống thay thế và cơ hội thể hiện bản thân qua thời trang và âm nhạc, bên cạnh các thiết kế nghệ thuật và sưu tầm ván trượt.

Thể dục tại nhà

Gen Z đã thay thế các cuộc tụ tập xã hội và mua sắm thả ga bằng việc tập thể dục tại nhà như cách để giảm căng thẳng trong đại dịch. Thể dục cũng nhanh chóng trở thành một hoạt động thời thượng trong thời gian phong tỏa. Theo một báo cáo của Viện nghiên cứu Mob, sẽ có 560 triệu người Trung Quốc thường xuyên tập thể dục vào cuối năm 2030 và hơn 22% những người này ở độ tuổi từ 18 đến 24. Mức độ phổ biến của thể dục tại nhà cũng thúc đẩy kinh doanh thiết bị và quần áo thể dục.

Văn hóa yoga đã có ảnh hưởng trong nhiều năm ở Trung Quốc trước đại dịch nhưng hiện trở nên phổ biến rộng rãi, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Tiêu dùng đi đôi với việc theo đuổi sự cải thiện bản thân đang thu hút nhiều người trẻ ở Trung Quốc với niềm tin "sức khỏe là vàng" trong kỷ nguyên mới này. Mặc dù mức tăng trưởng của thị trường này có thể giảm và phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng xu hướng của nó sẽ phát triển.

Nguồn: Jing Daily

BÌNH LUẬN