banner chinh

Bà Phan Thị Phiện - Nguyên Hội trưởng Phụ nữ giải phóng xã Bình Dương (Quảng Nam) tâm đắc với dự án "Vườn Mẹ"


Bà Phan Thị Phiện - Nguyên Hội trưởng Phụ nữ Giải phóng xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cảm thấy vui mừng khi biết đến ý tưởng phác thảo không gian “Vườn Mẹ” tại xã Bình Dương vì đây là một công trình xây dựng văn hóa có ý nghĩa, đậm tính nhân văn, là nơi tri ân những người mẹ anh hùng đã không tiếc xương máu vì độc lập tự do cho quê hương đất nước.

Bà Phan Thị Phiện, một người con của xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đã có những chia sẻ tâm đắc với dự án “Vườn Mẹ” do ông Phan Đức Nhạn - Nguyên Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Quảng Nam, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XI sáng lập. Theo bà, đây là dự án nhân văn nhằm tôn vinh sự hy sinh cao cả của những người mẹ ở mảnh đất xã Bình Dương (Quảng Nam) - mảnh đất đã ba lần được tặng danh hiệu Anh hùng, nơi có 350 Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng, có 1.347 liệt sĩ và gần 2/3 số người dân đã bị kẻ thù giết hại trong chiến tranh chống Mỹ.

Bà Phan Thị Phiện - Nguyên Hội trưởng Phụ nữ Giải phóng xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam

Câu chuyện về những nữ anh hùng của vùng đất kiên cường

Xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, Quảng Nam vốn là vùng đất cằn cỗi, nắng cháy, người dân quanh năm vật lộn mưu sinh nhưng cuộc sống vẫn nghèo khó. Song nơi đây cũng sinh ra những con người gan góc, kiên cường, năng động, sáng tạo góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Trong đó có bà Phan Thị Phiện, mẹ bà, em gái bà và nhiều người phụ nữ kiên trung khác.            

Bà Phan Thị Phiện kể, tháng 10/1967, được các chị trong Thường vụ huyện Hội phụ nữ phân công, bà từ cánh Tây của huyện mang bụng bầu gần 8 tháng theo Đội công tác xuống vùng Đông trong một đêm mưa gió nước lụt ngập đầy đồng. Được giao nhiệm vụ theo dõi phong trào Phụ nữ các xã cánh Đông, lòng bà phấn khởi vì nơi đây bà có thể vừa công tác, vừa chuẩn bị lo cho việc sinh con, nơi đây có mẹ, có các cô, các chị đỡ đần trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt...

Mẹ bà là bà Dương Thị Huấn - một người dân yêu nước đã đi qua hai cuộc kháng chiến. Trong kháng chiến chống Pháp, một mình bà Huấn tần tảo lo cái ăn cho cả nhà tám người, lại còn là thành viên tích cực trong Hội mẹ chiến sĩ - hậu phương phục vụ tiền tuyến. Kết thúc chiến tranh, bà Huấn lại phải tiễn chồng và con trai đi tập kết ra Bắc, để lại bà gồng gánh cả gia đình. Ở quê nhà, bà Huấn tiếp tục là cơ sở cách mạng nuôi nấng cán bộ nằm vùng hoạt động, xây hầm bí mật trong vườn nhà, là chỗ dựa che chở cho các lãnh đạo trú ẩn an toàn, nơi để họp bàn kế sách ra các quyết định quan trọng của huyện, tỉnh nhà lúc bấy giờ. Bà Huấn cũng là người rất dũng cảm, lúc bị địch bắt giam tra tấn, bà cắn răng không khai báo làm lộ bí mật của tổ chức, dù bị dọa dẫm khủng bố cũng không làm nhụt chí mà chỉ thêm nung nấu căm thù. Khi được thả về, bà Huấn lại tiếp tục tham gia vào các hoạt động, tích cực trong phong trào đóng thuế đảm phụ, mua công trái…, dù chật vật khó khăn đến mấy bà vẫn quyết chí đi đầu. 

Mười bốn năm xa chồng, xa con trai, xa những người thân thuộc, bà Dương Thị Huấn mang trong lòng nỗi nhớ nhung mong ngày được đoàn tụ đã không bao giờ thành hiện thực nữa. Bà ra đi trong một trận càn ác liệt, lúc đang lo ngụy trang hầm bí mật cho du kích chống càn. Bà Huấn đã đột ngột ra đi ở tuổi 59, bỏ lại người thân trong đó có cháu ngoại - con trai bà Phiện mới 15 ngày tuổi đang rất cần sự bảo bọc của bà ngoại trong hoàn cảnh chiến tranh cam go, ác liệt. Bà Dương Thị Huấn được công nhận là liệt sĩ và ít năm sau được phong tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng đợt đầu.

Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng ở Quảng Nam

Em gái bà Phiện là Phan Thị Kim Tiện, cùng bà con lối xóm lo tang cho mẹ xong, nén nỗi đau, tiếp tục bám trụ làm đủ việc ở một vùng có chiến sự, khắc phục những tổn thất sau mỗi trận càn ngày một nhiều hơn với mức độ ác liệt hơn. Bà Tiện luôn là nòng cốt trong phong trào Đoàn thanh niên, thành viên của Ban đấu tranh chính trị, ngày hai buổi vừa lo việc nhà vừa tiếp tục truyền chữ cho lớp thiếu niên ở độ tuổi nhỏ hơn. Tối lại bà Tiện tham gia sinh hoạt thanh niên nhằm củng cố lòng tin giữ được khí thế cách mạng trong nhân dân, tăng thêm sức mạnh để tiếp tục đương đầu với kẻ thù quyết giành phần thắng. Trong mắt bà Phiện, bà Phan Thị Kim Tiện là một người giỏi giang hiền hậu và rất dũng cảm, gan dạ trước hiểm nguy khi tổ chức cần, sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Thế nhưng bà Tiện đã hy sinh trong một trận càn ở tuổi hai mươi, là liệt sĩ khi đang tuổi xuân thì để lại bao tiếc nuối cho đồng đội và học trò của mình.

Chỉ trong mười tháng, bà Phan Thị Phiện phải đội tang trên đầu ba lần: cho mẹ, cho anh trai và em gái, nỗi đau mất mát thật quá sức chịu đựng, chiến tranh quá tàn khốc.

Gia đình bà Phan Thị Phiện là một gia đình truyền thống cách mạng. Nhà nội bà có 4 con dâu, 2 con gái thì có Mẹ bà, 3 thím và 1 cô đều được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Trong đó có thím là Mẹ Việt Nam Anh Hùng Lê Thị Cán vừa được nhận quà tặng của Chủ tịch nước mừng thọ tròn 100 tuổi. 

Những người phụ nữ trong gia đình bà Phan Thị Phiện cũng như rất nhiều phụ nữ Việt Nam khác trong kháng chiến là những người nữ anh hùng kiên cường bất khuất, giàu đức hy sinh để mang lại hòa bình độc lập ngày hôm nay.

Tâm đắc với “Vườn Mẹ” - Một dự án nhân văn

Bà Phan Thị Phiện chia sẻ, có được ngày hôm nay, bà càng thương quý những người mẹ, người chị, người em đã nằm xuống hy sinh vì hòa bình dân tộc. Qua bao nhiêu thăng trầm, bà tự hỏi tại sao những phụ nữ ở thế hệ đó lại giỏi chịu đựng cực nhọc, lại có thể giàu năng lượng sống đến thế? Phải chăng, sự dấn thân tự nguyện đó là cách để thoát khỏi áp bức xiềng xích cho con cháu mai sau được hưởng độc lập, tự do, đất nước được thống nhất.

Từ đó, bà càng mong dự án “Vườn Mẹ” được sớm thực thi, một dự án ghi nhớ sự hy sinh cao cả của các bà, các mẹ, các chị em thân thuộc... - những con người giàu đức hy sinh, không quản ngại khó khăn ác liệt, mưu trí, dũng cảm, góp phần vào sự nghiệp cách mạng giải phóng quê hương. Theo bà, “Vườn Mẹ” là công trình mang tính lịch sử, ghi lại sự tích anh hùng, nơi giữ lại bao ký ức đẹp hào hùng, giúp chúng ta có thêm niềm tự hào gởi lại mai sau. Đó là cách chúng ta tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc để có ngày hôm nay.

 

Ý tưởng quy hoạch dự án “Vườn Mẹ” ở xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, Quảng Nam

Dự án “Vườn Mẹ” do ông Phan Đức Nhạn, một người con xã Bình Dương, có cha là Chủ tịch huyện Thăng Bình thời kháng chiến chống Pháp, có mẹ là liệt sĩ và là Mẹ Việt Nam Anh Hùng, sáng lập và quyết theo đuổi dự án này từ nhiều năm nay. “Vườn Mẹ” là ý tưởng cao đẹp về giá trị nhân văn sâu sắc, minh chứng sinh động cho lịch sử oai hùng của một mảnh đất với trang sử vẻ vang, chứa đựng biết bao cảm xúc về lòng yêu nước thương nòi, là nơi tri ân các bậc tiền bối và những anh hùng, liệt sĩ đã không tiếc xương máu vì độc lập tự do cho quê hương đất nước, qua đó giúp phát huy truyền thống cách mạng với thế hệ hôm nay, đồng thời cũng là nơi chào đón khách thập phương về đây tham quan, du lịch.

Bà Phan Thị Phiện, một người con của vùng đất xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, Quảng Nam có niềm tin sâu sắc vào dự án “Vườn Mẹ” sẽ thành hiện thực trong một ngày không xa. Nếu được thực thi, “Vườn Mẹ” sẽ có bao nhiêu trái quả ngọt lành, luống rau xanh mát từ bàn tay mẹ mà mỗi cọng rau, quả bí, trái bầu… sẽ mang nặng lòng biết ơn với Mẹ, được chưng cất từ lòng Mẹ, cùng bao vất vả lo toan của mỗi người dân xã Bình Dương hôm nay.

BÌNH LUẬN