banner chinh

Mật ong và những tác dụng không tưởng cho người bị máu nhiễm mỡ


Mật ong từ lâu đã trở thành loại thực phẩm không thể thiếu trong gian bếp của nhiều gia đình. Ngoài sử dụng như một loại gia vị trong nấu ăn, mật ong còn được dùng để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe.

1. Thành phần của mật ong

Là sản phẩm do ong mật cung cấp từ mật hoa, mật ong bao gồm nhiều loại đường phức tạp, axit hữu cơ, enzym, protein, axit amin, khoáng chất, vitamin và các hợp chất có hoạt tính sinh học khác. Một thìa mật ong (21g) chứa 64 calo, 0g chất đạm, 0g chất béo, 17g carbohydrate, 0g chất xơ, 17g đường.

Mật ong chứa một số vitamin và khoáng chất với số lượng vi lượng, bao gồm một lượng nhỏ sắt, kẽm, kali…

Mật ong thô không vượt trội so với mật ong chế biến về dinh dưỡng hoặc lợi ích sức khỏe. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng quá trình chế biến không ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng hoặc mức độ chống ôxy hóa của mật ong.

Mật ong và những tác dụng đối với người bệnh máu nhiễm mỡ  - Ảnh 2.

Mật ong có nhiều lợi ích đối với sức khỏe

 

2. Lợi ích của mật ong đối với sức khỏe

2.1 Mật ong chứa nhiều chất chống ôxy hóa

Mật ong nguyên chất chứa nhiều chất chống ôxy hóa quan trọng. Bao gồm các axit hữu cơ và các hợp chất phenolic, polyphenol và flavonoid có vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Một số nghiên cứu cho thấy rằng chúng có thể bảo vệ chống lại các bệnh mạn tính, như bệnh tim mạch, ung thư và đái tháo đường.

Với lượng tiêu thụ đường quá mức là nguyên nhân khiến cho nhiều người mắc các bệnh béo phì, đái tháo đường, máu nhiễm mỡ… Việc thay thế mật ong trong một số loại thực phẩm cho chất ngọt truyền thống có thể giúp cho tăng cường hệ thống bảo vệ chống ôxy hóa ở người khỏe mạnh.

2.2 Mật ong cải thiện sức khỏe tim mạch

Nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng lượng flavonoid thường xuyên có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Đối với các bệnh lý tim mạch, tác dụng bảo vệ của flavonoid chủ yếu bao gồm chống huyết khối, chống thiếu máu cục bộ, chống ôxy hóa và chống co mạch.

Axit phenolic và polyphenol trong mật ong có tác dụng bảo vệ tim mạch bằng cách giảm và loại bỏ ROS (ôxy phản ứng), làm giảm nguy cơ và tác động của các bệnh lý cấp tính và mạn tính do gốc tự do gây ra trong cơ thể.

2.3 Mật ong chữa lành vết thương

Từ thời xa xưa, mật ong được xem như bài thuốc dùng để chữa lành các vết thương. Đặc tính chữa bệnh của mật ong là do nó cung cấp hoạt tính kháng khuẩn, duy trì tình trạng vết thương ẩm giúp cung cấp hàng rào bảo vệ để ngăn ngừa nhiễm trùng. Đặc tính điều hòa miễn dịch của mật ong cũng có liên quan đến việc làm lành vết thương. Hoạt động kháng khuẩn trong hầu hết các loại mật ong là do enzym sản xuất hydrogen peroxide.

2.4 Giảm ho, cảm lạnh

Hỗ trợ giảm ho, viêm họng, cảm là một trong những công dụng nổi bật nhất của mật ong bởi cơ chế hoạt động của nó tương tự như dextromethorphan, thành phần phổ biến trong thuốc ho không kê đơn. Có thể ngậm trực tiếp mật ong hoặc kết hợp cùng trà xanh, nước chanh ấm để làm dịu cơn đau họng. Trong dân gian cũng có nhiều bài thuốc chữa ho kết hợp cùng mật ong như: mật ong ngâm chanh đào, quất chưng đường phèn, ngâm với tỏi...

Tuy nhiên, theo Lương y Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội), không nên uống chanh và mật ong liên tục trong thời gian dài, uống thay cả nước. Cũng không nên uống nước chanh và mật ong quá nhiều lần trong ngày do chanh có vị chua, chứa nhiều acid. Không uống lúc bụng đang đói dẫn đến loét dạ dày. Mật ong cũng có tính nóng, nên những người bị nóng trong không uống nhiều khiến nổi mụn.

Mật ong và những tác dụng đối với người bệnh máu nhiễm mỡ  - Ảnh 4.

Mật ong ngâm chanh đào, bài thuốc chữa ho hiệu quả

2.5 Mật ong tốt hơn đường tinh luyện

Mặc dù mật ong có đường và calo nhưng vẫn tốt hơn đường tinh luyện, do đường làm tăng chỉ số đường huyết cao hơn mật ong, không tốt cho các bệnh nhân mắc đái tháo đường. Ngoài ra, trong mật ong còn có các chất chống ôxy hóa, giúp cho cơ thể chống lại các gốc tự do. Mặc dù vậy, vẫn chỉ nên tiêu thụ mật ong ở mức độ vừa phải để tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

3. Mật ong có tác dụng đối với người bệnh máu nhiễm mỡ

Trong một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Nutrition Reviews, các nhà nghiên cứu từ Đại học Toronto đã thực hiện đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp các thử nghiệm có kiểm soát trước đó để hiểu rõ hơn về tác động của mật ong trong việc giảm thiểu một số yếu tố nguy cơ chuyển hóa tim mạch, cải thiện lượng đường trong máu và tốt cho người bệnh máu nhiễm mỡ.

Theo kết quả nghiên cứu, mật ong được phát hiện là cải thiện kết quả lipid bằng cách giảm cholesterol toàn phần, LDL-C và mức chất béo trung tính lúc đói và tăng mức HDL-C. Hơn nữa, việc uống mật ong làm tăng nồng độ IL-6 và TNF-α.

Đáng chú ý, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nguồn hoa và phương pháp chế biến mật ong có ảnh hưởng đến sức khỏe. Ví dụ, mật ong Robinia, mật ong cỏ ba lá và mật ong thô đều có liên quan đến việc giảm mức đường huyết lúc đói và cholesterol toàn phần.

4. Khi nào người bệnh máu nhiễm mỡ không nên dùng mật ong?

Tuy nhiên, trong 21g mật ong chứa tới 64 calo và 17g đường. Vì vậy nó có khả năng làm tăng đường huyết và tăng cân, gây ảnh hưởng xấu tới tình trạng bệnh, đặc biệt là tới chỉ số triglyceride. Do đó, người máu nhiễm mỡ cần sử dụng mật ong đúng cách, đúng liều lượng để đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Nếu người bị máu nhiễm mỡ đồng thời thuộc một trong các đối tượng dưới đây thì không nên tiêu thụ mật ong.

Người có cơ địa dị ứng: Những người bị dị ứng với phấn hoa nên cẩn trọng khi ăn mật ong. Vì nó có thể làm trầm trọng hơn các biểu hiện dị ứng.

Huyết áp thấp: Trong mật ong chứa thành phần tương tự acetylcholin có thể gây hạ huyết áp.

Rối loạn tiêu hóa: Mật ong sẽ tăng co thắt cơ trơn đường ruột khiến chứng rối loạn tiêu hóa càng nặng nề hơn.

Mật ong hỗ trợ điều trị máu nhiễm mỡ có thể dùng độc lập hoặc kết hợp với các nguyên liệu khác để gia tăng công dụng. Đơn giản nhất là pha mật ong với nước ấm, hoặc pha mật ong, gừng và chanh. Việc kết hợp mật ong với tỏi, gừng, chanh sẽ làm tăng khả năng kiểm soát nồng độ cholesterol máu. Hoặc có thể pha mật ong, gừng và tinh bột nghệ.

Theo Sức khỏe đời sống

 

BÌNH LUẬN