Tâm lý học trường học - Mảng trống cần được chuyên nghiệp hóa
Hơn 300 nhà quản lý, nhà khoa học, NCS, học viên cao học và sinh viên đã tham dự lặng im nghe con số “biết nói” bắt đầu từ cảm xúc chân thành nhất: 20% người học cảm thấy giáo viên đối xử không công bằng, hơn 10% người học cho rằng giáo viên chưa quan tâm và có sự giúp đỡ mà chỉ tập trung vào việc dạy… Chưa hết, có gần 50 học sinh trên 2300 học sinh đang được điều trị về tâm lý trong đó có ý nghĩ tự sát… Nghiên cứu của GS.TS. Michael Hass kết hợp với các cộng sự Việt nam đã tiến hành trên 2300 học sinh sinh viên từ năm 2014 đến 2016… vẫn còn nguyên những bằng chứng thực tiễn khi chúng tôi tiến hành một nghiên cứu tương tự về các vấn đề của học sinh trung học đang gặp phải từ năm 2017 đến 2020. GS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết: “Khảo sát trên trên 1800 khách thể là HS, 2400 khách thể là GV, CBQL giáo dục địa phương, kết quả cho thấy học sinh trung học gặp phải các vấn đề ở các lĩnh vực: vấn đề trong học tập, giao tiếp, hướng nghiệp, giới tính, nhận thức bản thân và stress ở mức trung bình hướng dần đến mức khác. Ở mỗi khối lớp từ khối 6 đến khối 12, có khoảng 1/3 học sinh cho rằng mình đang gặp phải ít nhất 4 trong 6 vấn đề đã nêu. Rõ ràng, đây là vấn đề không còn là số ít...”.
CÓ MÀU THÌ CẦN CÓ SẮC KHÔNG CHỨ?
Có thể nói vấn đề tham vấn học đường, tư vấn tâm lý học đường hay tâm lý học trường học đang là vấn đề được quan tâm trên toàn thế giới và đặc biệt được quan tâm ở Việt nam. Thời gian vừa qua, tại các trường THCS, THPT trên các địa bàn đã có trang bị phòng tư vấn tâm lý. Chức năng của phòng tham vấn học đường đó là nơi giãi bày tâm tư, cảm xúc của các bạn học sinh, để tháo gỡ những khúc mắc, mâu thuẫn và làm giàu thêm về đời sống tâm lý, tình cảm. Thế nhưng có thể nói tính tự phát của nó vẫn còn vì chất lượng đội ngũ, số lượng chuyên viên đang hoạt động tại văn phòng tham vấn học đường… Đơn cử tại Việt nam, ít ỏi một số tỉnh thành có đầu tư cho vấn đề này trên bình diện quy chế, chất lượng hoạt động… Gần 15 năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh có thể nói là thành phố đi đầu về tham vấn học đường với sự hỗ trợ nhiệt tình và đầy tâm huyết của TS. Huỳnh Công Minh (Nguyên Giám đốc Sở GD & ĐT TP. HCM). Đến nay, theo số lượng cập nhật, những chuyên viên tâm lý trường học đang làm việc ở các trường phổ thông tại TP. HCM có thể lên đến vài trăm. Tuy nhiên, trên 100 chuyên viên có thể nói đang hoạt động chính thức như là một giáo viên có biên chế… trong thực tế đang là một câu hỏi lớn. Liệu bức tranh này có màu nhưng sắc của nó đến đâu??? Rõ ràng, việc phát triển chuyên sâu ở mức nào, phát triển ra sao là những câu hỏi cần được lý giải ở tầm rộng và cao hơn ở một quy mô khác. Không chỉ ở TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Huế cũng có những chiến lược phát triển tham vấn học đường. Thế nhưng, có thể nói công tác này đi theo hướng về dự án… để phát triển là chủ yếu. Ở thành phố Hà Nội, có hơn 20 trường Trung học được tổ chức khá bài bản trong vài năm qua. Mô hình hoạt động tâm lý học đường của phòng tham vấn học đường thuộc dự án: “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” hiện đã triển khai tại Hà Nội với sự hỗ trợ của Plan International Việt Nam từ năm 2015. Theo PGS. TS Trần Thị Lệ Thu – Đại học sư phạm Hà Nội thì các yếu tố cần quan tâm như nhân sự có chuyên môn được đào tạo với những phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp tương ứng 7 tiêu chí. Công việc được mô tả cụ thể và chi tiết với các kỹ năng nghề nghiệp tương ứng.
Hơn bốn năm qua, theo TS Nguyễn Thị Hằng Phương, Khoa TLGD, Trường Đại học Sư phạm, ĐH Đà Nẵng cho biết: Đã có gần 20 chuyên viên tư vấn được tuyển dụng để làm việc ở trường THPT. Cũng đã có hơn 50 cán bộ được tập huấn tham vấn học đường thông qua dự án “Hành trình yêu thương” vốn là giáo viên một số bộ môn, cán bộ Đoàn đội,… Hiện tại sau khi được tập huấn về tham vấn trường học, tham vấn trẻ em, hỗ trợ trẻ em thì nhóm nhân sự này đang làm việc tại một số trường THCS… Thế nhưng, liệu rằng với số lượng trường THPT và THCS khá nhiều thì nguồn nhân lực trên và cả nguồn nhân lực sẵn có hay tự phát liệu có đáp ứng được nhu cầu trong thực tiễn của thành phố Đà Nẵng? Có thể khẳng định như một cột mốc đột phá, năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra thông tư hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông. Dù còn nhiều lo lắng, trăn trở của các nhà chuyên môn về công tác tham vấn kiêm nhiệm nhưng cần phải khẳng định và thừa nhận rằng đây là có huých quan trọng để công tác tham vấn học đường hay tâm lý học trường học đi vào trường học một cách chính thức. Các luận cứ khoa học, các hành lang pháp lý và cả những cứ liệu thực tiễn sẽ củng cố niềm tin về tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác tâm lý học trường học mà cụ thể là hoạt động tham vấn học đường. Đấy chính là tầm nhìn mang tính chiến lược và đi từng bước bởi không thể ngay một lúc hoặc mơ mộng và bay bổng có thành tựu hoàn hảo đến bất ngờ. Đó chính là màu và sắc của tâm lý học trường học bởi học sinh thoải mái, hạnh phúc sẽ góp phần làm cho thầy cô cân bằng và có động lực. Bầu không khí tâm lý thật sự quan trọng nếu muốn có trường học hạnh phúc là như thế. TRÁCH NHIỆM TỪ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN THỰC THI Thật ra, lĩnh vực tâm lý học đường không phải là vấn đề mới được quan tâm mà trên thế giới đã áp dụng từ nhiều năm nay. Từ những năm 1970, công tác tâm lý học đường và sau này vào những năm 1980 - 1990 phát triển thành tâm lý học trường học ở nhiều quốc gia theo nghĩa rộng của công tác này đã trở thành hiện thực. Về nội dung, công tác tâm lý học trường học bao gồm: hoạt động tham vấn tâm lý học đường - bao gồm cả tham vấn hay tư vấn về học tập, giáo dục của học sinh; hoạt động công tác xã hội học đường và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh... Khái quát lên, đó là mô hình phát hiện và can thiệp nhằm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh. Phân tích cụ thể, việc thực hiện can thiệp bằng các liệu pháp tâm lý, can thiệp bằng các liệu pháp về giáo dục… mang đến những hiệu quả nhất định giúp cho học sinh cân bằng, phát triển cũng như nhà trường thực hiện mục tiêu giáo dục một cách hiệu quả.
Nước ta đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Cụ thể hơn, tháng 9 năm 2020 sẽ thực hiện chương trình lớp 1 và sau đó một năm sẽ thực hiện chương trình lớp 2 và lớp 6. Điều này cho thấy song song với việc đầu tư về dạy học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đầu tư nhiều về công tác hỗ trợ học sinh. Nghiên cứu cấp nhà nước về Phát triển công tác Tâm lý học trường học đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018 của PGS.TS. Nguyễn Thị Tứ và GS.TS Huỳnh Văn Sơn cùng các cộng sự đã vạch ra lộ trình và chiến lược phát triển Tâm lý học trường học sau khi chứng minh về tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt của nó. PGS.TS Nguyễn Thị Tứ cho biết: “Nổi bật nhất là công tác Tâm lý học trường học và hoạt động TVHĐ sẽ là hoạt động hỗ trợ HS tự tin thể hiện bản thân mình và từ đó có cơ hội phát triển bản thân, định hướng phát triển bản thân và hướng nghiệp bản thân là điều rất quan trọng trong thực tiễn triển khai chương trình GDPT 2018. TLH trường học là một bộ phận quan trọng đóng góp các tác động tích cực của mình vào việc triển khai chương trình GDPT 2018 nhất là trong việc tổ chức hoạt động học tập các môn học cụ thể cũng như hoạt động trải nghiệm và một số hoạt động giáo dục khác có liên quan”. Phát triển công tác TLH trường học trong bối cảnh hiện nay nhất là để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 là trách nhiệm cấp thiết cần được quan tâm, đầu tư và thực thi bài bản. Lẽ đương nhiên, còn đó những nỗi lo lắng đáng suy ngẫm. Cụ thể nhất đến bây giờ, biên chế cho nhân sự làm công tác tâm lý học trường học vẫn chưa được chính thức hóa, mã nghề tâm lý học trường học vẫn chưa được thực thi, chứng chỉ hành nghề hay điều kiện nghề nghiệp cần đảm bảo, cơ chế tuyển dụng, thủ tục tuyển dụng… đều là những thách thức lớn. Song song đó, vấn đề quản lý công tác tâm lý học trường học, duy trì bền vững các mô hình hoạt động than vấn trên nguyên tắc định biên chính thống, đánh giá nghề nghiệp theo quy chuẩn về đạo đức nghề nghiệp… Rõ ràng, việc nâng cao và phát triển hơn nữa về lĩnh vực tâm lý học trường học tại Việt Nam không thể không bắt đầu từ công tác đào tạo. Chỉ khi đào tạo nguồn nhân lực mạnh thì mới có thể đảm bảo chuyên sâu về nghề nghiệp và từ đó việc thực hành nghề nghiệp sẽ hiệu quả hơn. Nhưng quan trọng hơn vẫn là các cơ sở pháp lý có liên quan trong đó bao gồm các thông tư và quy chế. Đặc biệt, các nội dung sau cần thực sự được đặt để ở vị trí cấp bách: cần có cơ chế định biên cho nhân sự thực hiện công tác này, mô hình hoạt động của phòng tham vấn học đường hay mô hình hoạt động của công tác tâm lý học trường học. Song song dó, những quy chuẩn nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp cùng với mã ngành nghề là những yêu cầu vừa mang tính định hướng và thực thi trong thực tiễn. Trách nhiệm không chỉ dừng lại ở trường học hay Hiệp hội mà sự hành động có lộ trình cấp thiết là vấn đề cần dược quan tâm.
Nguyễn Thanh Huân
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN