banner chinh

"Được" và "Mất" của ngành Du lịch Việt Nam sau 2 năm Covid 19


Lượng khách du lịch sụt giảm

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2020 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt hơn 3,8 triệu - giảm 73.8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 88,2 nghìn lượt người và giảm ở tất cả các loại hình vận tải.

Nhu cầu du lịch trong nước xét tổng thể giảm vì thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội, mặt khác, do tâm lý lo ngại dịch bệnh và sự sụt giảm thu nhập của người dân. Khách du lịch nội địa năm 2020 giảm 34,1% (đạt 56 triệu lượt).

Doanh thu từ ngành du lịch sụt giảm

Số lượng khách du lịch quốc tế và nội địa bất ngờ giảm mạnh đã kéo theo doanh thu cho ngành du lịch bị sụt giảm nghiêm trọng. Doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, giảm 51,8% so với cùng kỳ năm trước.

Một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên du lịch nội địa giảm mạnh như Hà Nội giảm 44,3%, Thành phố Hồ Chí Minh giảm 53,6%, Quảng Ninh giảm 36,6%,... Một số địa phương có khởi sắc đón khách nội địa trong quý I/2021, nhưng đợt dịch thứ 4 bùng phát khiến khách hủy phòng, hủy tour hàng loạt gây thiệt hại rất lớn cho cơ sở kinh doanh lưu trú và doanh nghiệp lữ hành.

Khủng hoảng nguồn nhân lực du lịch

Đại dịch COVID-19 đã khiến trên 95% doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động, khoảng 20 - 30% doanh nghiệp du lịch có nguy cơ phá sản. Lực lượng lao động trong khu vực Du lịch - Dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề  do tổng cầu giảm và thời gian dài để phục hồi các hoạt động du lịch. Trong 9 tháng năm 2020, ngành vận tải hàng không và ngành du lịch cắt giảm 30,4% lực lượng lao động; ngành dịch vụ lưu trú giảm 29,9%; ngành hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí giảm 17,4%; và ngành ăn uống giảm 15,4%.

 

Đại dịch COVID-19 đã cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc và chúng ta sẽ phải rút kinh nghiệm để có thể dần thích nghi với tình trạng "bình thường mới". Với bối cảnh đó, ngành Du lịch Việt Nam cần lưu tâm các bài học như:

Bài học đầu tiên là cần trang bị các kiến thức về quản trị khủng hoảng và xây dựng quỹ dự phòng khủng hoảng. Đây rõ ràng là lĩnh vực xưa nay chúng ta chưa chú trọng nhiều, nên khi đại dịch xảy ra, chúng ta còn có nhiều lúng túng trong việc quản trị khủng hoảng hay như còn thiếu nguồn ngân quỹ cho xử lý đại dịch.

Bài học tiếp theo là tránh bị phụ thuộc vào một thị trường hoặc sản phẩm. Trước đây, chúng ta làm du lịch thường chỉ chú trọng nhiều vào một số thị trường, ví dụ thị trường du lịch quốc tế, hoặc là một sản phẩm và không có đa dạng nên gần như các doanh nghiệp kinh doanh du lịch không thể chuyển đổi khi gặp những bất trắc hay là gặp những khó khăn như đợt dịch bệnh này.

Đại dịch cũng cho chúng ta thấy cần phải liên kết và hợp tác trong khủng hoảng. Liên kết và hợp tác luôn là một yếu tố quan trọng cho một ngành kinh tế tổng hợp như du lịch, nhưng chưa bao giờ bài học về liên kết và hợp tác lại được các bộ ban ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan nhìn nhận nghiêm túc như trong thời gian khủng hoảng bởi đại dịch.

Bên cạnh đó là những bài học về sự linh hoạt trong giải quyết khủng hoảng, biến khó khăn thách thức thành cơ hội, hay làm thế nào để phát triển du lịch bền vững trong đại dịch, bài học về xây dựng sáng tạo những sản phẩm dịch vụ. Những bài học này cũng chính là những cơ hội để chúng ta "làm mới" và "sống động" lại ngành du lịch Việt Nam.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch thế giới và ngành du lịch Việt Nam nhưng đồng thời cũng mở ra nhiều xu hướng du lịch đến từ nhu cầu thực tế của du khách. Một số xu hướng triển vọng phát triển du lịch trong và sau đại dịch COVID-19 cụ thể như:

Xu hướng du lịch nội địa

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới, du lịch quốc tế sẽ mất từ 2,5 năm tới 4 năm để phục hồi sau đại dịch COVID-19. Với việc thực hiện các chính sách phòng, chống dịch bệnh và hạn chế đi lại, nhập cảnh, buộc ngành Du lịch Việt Nam phải chuyển hướng và tập trung phát triển du lịch nội địa.

Những chuyến tham quan du lịch gắn liền với nghỉ ngơi ngắn ngày ở trong nước - "về nhà" và tại "quê hương" - xung quanh khu vực du khách sinh sống. Xu hướng du lịch tại chỗ (staycation) xuất hiện ngày càng nhiều trong năm 2021 kể từ sau đại dịch COVID-19. Xu hướng này hướng đến các tour du lịch khám phá địa phương thiết kế cho chính người dân địa phương với những hoạt động thường khám phá các địa danh, văn hóa mà nhiều du khách ít biết tới.

Xu hướng du lịch biệt lập (isolated travel) - du lịch xanh (green travel)

Trong giai đoạn giãn cách xã hội, những yếu tố hướng đến những nơi gần gũi với tự nhiên, biệt lập và ít được biết đến trở nên hấp dẫn hơn. Các tour du lịch thường hướng tới phục hồi và bảo tồn các giá trị tự nhiên, môi trường, gắn với các xu hướng đi du lịch tích cực hơn như du lịch xanh, du lịch chậm để cảm nhận, tận hưởng cuộc sống sau những ngày dài giãn cách xã hội. Cho phép du khách thoát khỏi cuộc sống thực tại, được đắm mình vào thiên nhiên, tĩnh tại và cảm nhận dòng chảy của thời gian.

Xu hướng du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới, du lịch gắn với sức khỏe sẽ tăng trưởng mạnh mẽ thời kỳ hậu COVID-19. Các loại hình nghỉ dưỡng kết hợp thể dục dưỡng sinh, thiền, yoga, trị liệu bằng khoáng chất, spa-thẩm mỹ, trải nghiệm ẩm thực, dinh dưỡng, cho phép du khách không chỉ phục hồi tái tạo sức lao động, mà còn giúp du khách thoải mái thư giãn, nuôi dưỡng tinh thần và làm đẹp thể chất. Đây cũng là xu hướng của những người coi trọng giá trị sức khỏe và tôn chỉ "sống chậm".

Xu hướng du lịch không chạm, du lịch thông minh và tiếp cận chuyển đổi số trong tiêu dùng du lịch

Du lịch không chạm là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc phòng chống dịch bệnh. Không chạm khi đi du lịch trong và sau COVID-19 là hạn chế tiếp xúc giữa người với người, giữa con người và các vật dụng, bề mặt. Du lịch dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin và truyền thông để phát triển sáng tạo các công cụ kỹ thuật số mang đến sự tương tác kết nối cao và nhanh trong chuyển tải những nội dung, thông điệp, dịch vụ du lịch. Du khách thông qua nền tảng số có nhu cầu "tự lựa chọn" cho mình những dịch vụ và loại hình du lịch "đơn lẻ" thay cho "trọn gói".

Hướng tới những nơi cô lập và ít được biết đến

Để du lịch an toàn trong thời điểm dịch COVID-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn, nhiều người có xu hướng tìm đến những vùng đất hoang sơ; những nơi có tính chất cô lập. Đó có thể là vùng nông thôn yên tĩnh rời xa phố thị ồn ào; là điểm nghỉ dưỡng ở vùng núi cao; là những hòn đảo, bãi biển chưa được khai thác du lịch.

Những địa điểm còn hoang sơ, cô lập không chỉ mang tới sự yên tĩnh và còn mang đến sự an tâm tuyệt đối. Lý do là bởi những địa điểm này thường “kén” khách du lịch nên giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

 

Theo chuyên gia và doanh nghiệp, sự phục hồi cần một số chính sách và giải pháp từ nhiều phía, bao gồm nhà nước, các địa phương và công ty du lịch.

Trước hết là nguồn lực tài chính. Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đề xuất "thiết kế một chương trình vay vốn trung và dài hạn trong khuôn khổ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 2022 - 2023 dành riêng cho các doanh nghiệp khách sạn, hàng không, du lịch và dịch vụ du lịch". Cùng với đó, cho giảm, giãn các loại thuế, phí. Đây cũng là mong mỏi của phía doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần một lộ trình mở cửa rõ ràng, nắm bắt được thời cơ. Với thị trường nội địa, nhu cầu sẽ gia tăng vào cuối năm từ khách địa phương, do tỷ lệ tiêm chủng đang tăng và các hạn chế đi lại được nới lỏng. 

Theo PGS.TS Vũ Tuấn Hưng cần thực hiện linh hoạt các loại hình du lịch "1 cung đường 2 điểm đến" với sự kiểm soát trách nhiệm và hợp tác của các chính quyền địa phương, để thích ứng trong tình hình mới.

Với thị trường quốc tế, so với các nước Đông Nam Á, động thái của Việt Nam khá thận trọng. Từ tháng 8, Việt Nam giảm thời hạn cách ly tập trung từ 14 xuống còn 7 ngày đối với người nhập cảnh đã tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, không giống Thái Lan là mở toàn bộ đất nước với 63 quốc gia có nguy cơ thấp từ 1/11, Việt Nam sẽ chỉ mở 5 địa điểm cho khách quốc tế.

Đó là đảo Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa và Quảng Ninh từ tháng 11. Trong đó, Phú Quốc được chọn làm nơi thí điểm mở cửa từ 20/11 đón du khách đã tiêm phòng đầy đủ thông qua các chuyến bay thuê bao.

Một vấn đề quan trọng khác là bản thân ngành du lịch phải nhận ra những thay đổi trong hành vi khách hàng để có chiến lược phục hồi phù hợp. 

Cuối cùng là bản thân ngành du lịch cũng đang cần "số hoá". Dịch bệnh sẽ làm cho cung - cầu của thị trường thay đổi, nhu cầu của khách hàng cũng sẽ thay đổi nhanh chóng hơn. Vì thế, doanh nghiệp cần phải công nghệ để có đủ thông tin nắm bắt, tung ra sản phẩm phù hợp.

Phú Quốc được chọn làm nơi thí điểm mở cửa du lịch đầu tiên hậu giãn cách, đón du khách đã tiêm phòng đầy đủ thông qua các chuyến bay thuê bao.

PGS.TS Vũ Tuấn Hưng cũng cho rằng, cần khuyến khích các mô hình trực tuyến, tạo dữ liệu tốt quảng bá Việt Nam và các địa phương, để sẵn sàng bùng nổ sau khi thế giới kiểm soát tốt hơn COVID-19.

NỘI DUNG: AN MAI 

THIẾT KẾ: HỒNG NHUNG

Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị

 

 
 

BÌNH LUẬN