banner chinh

Lịch sử tăm tối đằng sau công trình biểu tượng của nước Mỹ: Núi Rushmore


Núi Rushmore có một lịch sử đầy đen tối, đến mức người Mỹ còn phải ngần ngại khi nhắc tới.

Trong vòng 14 năm, từ 1927 - 1941, 400 công nhân đã cùng nhau thổi tung 450.000 tấn đá bên sườn núi, sử dụng dùi đục, máy khoan đá, và hàng tấn thuốc nổ để làm nên đài tưởng niệm núi Rushmore - công trình lịch sử biểu tượng của nước Mỹ hiện nay.

Núi Rushmore - công trình biểu tượng của nước Mỹ

Giờ đây, ngọn núi khắc gương mặt của 4 vị tổng thống quan trọng nhất của nước Mỹ đã là một địa danh cực kỳ nổi tiếng, thu hút hàng triệu du khách đến tham quan mỗi năm cho tiểu bang South Dakota. Nhưng phía sau sự nổi tiếng ấy lại ẩn chứa một sự thật đầy tăm tối, mà đến giờ người Mỹ vẫn còn ngần ngại khi nhắc tới.

Lịch sử tranh chấp đẫm máu và dối lừa

Cách đây 100.000 năm, các thổ dân bản địa Mỹ bắt đầu định cư ở vùng Black Hills. Khu vực này sớm trở thành nơi thiêng liêng với các thổ dân Lakota - những người hình thành nên nhánh phía Tây của cái được người Mỹ gọi là "Sioux Nation", hay "Biệt khu thổ dân châu Mỹ".

Người Lakota tin rằng họ có nguồn gốc từ một hang động nằm trong Black Hills. Họ đặt tên cho một trong những đỉnh núi cao nhất của Black Hills là núi "Sáu Ông" (Six Grandfathers), dựa trên ý nghĩa linh thiêng của nơi đây với họ.

Chuyện cứ thế trôi đi, cho đến thập niên 1800, khi con đường tiếp cận khu vực này của người Lakota bị đe dọa. Những người da trắng đã đến, mở rộng lãnh thổ họ chiếm được bằng bạo lực hoặc đàm phán cùng thổ dân bản địa. Trước đó, từ cuối thế kỷ 18 khi nước Mỹ được thành lập, chính phủ đất nước vốn đã thiết lập hàng trăm hiệp ước với thổ dân bản địa, nhưng thường là trong sự cưỡng ép và bạo lực.

Giai đoạn 1866 - 1868, người Lakota và các đồng minh đã bảo vệ thành công lãnh thổ của mình trước quân đội Mỹ và đàm phán được một thỏa thuận hòa bình mới: Hiệp ước Pháo đài Laramie (1868). Theo đó, 2 bên đồng thuận rằng vùng lãnh thổ rộng lớn - bao gồm cả Black Hills - sẽ thuộc về Sioux Nation. Đổi lại, người Lakota sẽ cho phép người da trắng an toàn di chuyển qua đây, không gặp cản trở.

Vấn đề là nội dung của bản hiệp ước có kèm theo rất nhiều điều khoản với mục đích đồng hoá người Lakota theo văn hóa của người da trắng, bao gồm việc chuyển từ săn bắt sang trồng trọt, từ bỏ lối sống du mục chuyển thành định cư, và mặc quần áo do người da trắng cung cấp. 

Thế rồi 7 năm sau, năm 1875, người Mỹ phá bỏ hiệp ước, sau khi phát hiện ra vàng trong một chuyến thám hiểm thực địa ở Black Hills. Thợ mỏ đến dựng trại, quân đội dồn toàn lực vào tấn công với hỏa lực quá mạnh và khiến Lakota thất thủ. Nước Mỹ sau đó thông qua đạo luật chiếm giữ vùng đất này, biến điều sai trái trở thành hợp pháp. 

Tượng đài của sự đàn áp

Hơn 50 năm sau, người Mỹ tiến hành những vết đục đầu tiên vào ngọn núi "Sáu Ông". Dự án được dẫn dắt bởi Gutzon Borglum - một nghệ nhân điêu khắc đầy kiêu ngạo, tôn thờ chủ nghĩa "KKK" với sự thù địch sâu sắc của người da trắng dành cho những chủng tộc khác.

Ban đầu, các nhà sử học đề xuất núi Rushmore nên được khắc những gương mặt có ý nghĩa với lịch sử châu Mỹ, bao gồm cả tù trưởng người Lakota. Nhưng Borglum gạt đi, chọn khắc những "người hùng" theo sở thích cá nhân. 

Ý tưởng khắc những nhân vật có ý nghĩa với lịch sử phương Tây đã bị Borglum gạt bỏ
 
Tháng 10/1941, Borglum qua đời vì một biến chứng sau phẫu thuật, khiến công trình phải tạm ngưng dù chưa hoàn thiện. Chưa có bậc thang nào dẫn lên đài tưởng niệm, trong khi đất đá còn ngổn ngang dưới chân núi. Dẫu vậy thì nhìn từ xa, gương mặt của 4 tổng thống đã thành hình, trở thành một biểu tượng với bất kỳ ai tình cờ đi ngang qua.
Nhưng với người Lakota, hình ảnh ấy là một sự phỉ báng, bởi ít nhất 2 tổng thống được khắc trên núi đều để lại những di sản chống thổ dân cực kỳ bạo tàn. George Washington - Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ - bị Liên minh Iroquois (nhóm sáu quốc gia bộ lạc ở Bắc Mỹ) gọi là "kẻ hủy diệt thị trấn" (Town Destroyer) sau khi dẫn quân đội đốt phá 50 ngôi làng thổ dân vào năm 1779. Tổng thống thứ 26 Theodore Roosevelt thì cực kỳ quyết liệt trong việc cưỡng ép thổ dân đồng hóa với phát ngôn đi vào lịch sử: "Tôi không đi xa đến mức cho rằng một người Anh-Điêng (Indian - tên gọi của thổ dân châu Mỹ) tốt là khi họ đã chết, nhưng tôi tin 9/10 là vậy". 


Với thổ dân Mỹ, George Washington là người đàn áp họ rất dữ dội.

Năm 1980, sau khi Sioux Nation đâm đơn kiện chính phủ Mỹ vì xâm phạm hiệp ước, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết rằng khu vực Black Hills đã bị xâm chiếm một cách bất hợp pháp, đồng thời Sioux Nation sẽ nhận được tiền bồi thường với con số hơn 1 tỉ USD. Tuy nhiên, các thổ dân từ chối nhận khoản tiền này để từ bỏ quyền sở hữu với Black Hills, như một lời khẳng định rằng khu vực này không phải để bán.

Tranh cãi quanh ngọn núi biểu tượng

Với lịch sử đầy rẫy tranh chấp, chuyện gì sẽ xảy ra với núi Rushmore? Câu trả lời đến lúc này vẫn chưa có gì rõ ràng.

Một số người - bao gồm cả các thủ lĩnh bộ lạc và chắt gái của Borglum cho rằng đài tưởng niệm nên bị dỡ bỏ. Số khác thì cho rằng đây là một biểu tượng quan trọng của lòng yêu nước (dĩ nhiên là nước Mỹ), và là một địa danh lịch sử cho nền kinh tế South Dakota nên cần được gìn giữ. 

Với thổ dân Lakota, nhiều người kêu gọi nước Mỹ phải tôn trọng hiệp ước năm 1868, và trao trả lại quyền sở hữu vùng đất này cho thổ dân. Một số khác thì tin rằng chính phủ Mỹ và thổ dân nên đồng nắm quyền điều hành vùng đất, hoặc ít nhất là một phần của Black Hills.

Ở thời điểm hiện tại, chưa có kế hoạch thay đổi nào cả. Nước Mỹ đã phá bỏ rất nhiều hiệp ước ký kết với thổ dân, khiến cho các vấn đề như vậy trở nên khá thường gặp. Suốt nhiều thế hệ, thổ dân Mỹ đã liên tục phản đối, yêu cầu các hiệp ước bị xâm phạm được tôn trọng và đã gặt hái được nhiều thành quả. Trong lúc đó, nếu không có gì khác biệt, 4 vị tổng thống tượng đài của nước Mỹ sẽ vẫn chễm chệ trên núi Sáu Ông ít nhất là trong hàng ngàn năm kế tiếp.

Nguồn: Ted-ed

BÌNH LUẬN